Người dùng gọi điện video 30 năm trước như thế nào?
VideoPhone 2500 được AT&T ra mắt năm 1992, hỗ trợ người dùng trò chuyện qua video màu, nhưng đã “chết yểu” chỉ sau ba năm có mặt trên thị trường.
Năm 1992, khi thị trường điện thoại cố định chỉ là những sản phẩm không có màn hình hoặc chỉ có màn hình nhỏ hiển thị số, AT&T đã gây bất ngờ khi cho ra mắt chiếc điện thoại bàn VideoPhone 2500. Điểm nổi bật của thiết bị là màn hình màu LCD 3,3 inch hỗ trợ gọi video.
Khoảng 20 năm trước, thị trường cũng xuất hiện mẫu điện thoại Picturephone của Bell Labs – một bộ phận R&D của AT&T. Tuy nhiên, sản phẩm chỉ hỗ trợ gọi video đen trắng và kích thước có phần cồng kềnh hơn VideoPhone 2500.
VideoPhone 2500 có kiểu dáng như một chiếc điện thoại bàn hiện đại, sử dụng màn hình xoay gập vào thân máy, tích hợp camera, micro. So với Picturephone vốn chỉ là công nghệ khung hình tĩnh, điện thoại mới của AT&T sử dụng công nghệ nén kỹ thuật số để giảm băng thông, từ đó truyền video chuyển động đầy đủ qua đường dây điện thoại analog.
Chiếc điện thoại này sử dụng modem V.34 tích hợp trong thân máy, cho tốc độ truyền tải dữ liệu 16,8 kilobit / giây – tốc độ được đánh giá là “khủng khiếp” vào thời điểm đó. Hình ảnh hiển thị đạt 10 khung hình / giây khiến những gì trên màn hình có cảm giác giật và hơi nhòe. Tuy nhiên, đây vẫn là “chuyển động thực” trên màn hình – một bước tiến vượt bậc của công nghệ so với việc chỉ hiển thị hình ảnh tĩnh.
Với công nghệ đột phá, VideoPhone 2500 có giá 1.600 USD. Tuy nhiên, thiết bị gần như vô dụng nếu đầu dây bên kia không có một VideoPhone tương tự. AT&T sau đó tung ra gói dịch vụ 30 đô la / ngày, sau đó giảm giá xuống còn 999 đô la.
Tính đến năm 1993, VideoPhone 2500 đã có mặt tại 32 quốc gia trên toàn cầu. Tuy nhiên, thiết bị không dành cho số đông nên doanh số bán ra rất hạn chế. Hai năm sau, điện thoại này đã bị ngừng sản xuất.
Ngày nay, một bản sao của VideoPhone 2500 được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Hoa Kỳ Quốc gia Smithsonian. Tuy nhiên, sản phẩm không được trưng bày để khách hàng trải nghiệm.
Bảo Lâm (theo CNN, Slashgear)