Triển lãm “Đối thoại Thư pháp và Graffiti” tại Văn Miếu
Từ bao đời nay, thư pháp luôn được biết đến như một thú chơi tao nhã của những người có học, giỏi ngôn ngữ và đam mê văn chương. Trong khi đó, hình ảnh những bức tường phủ đầy graffiti thường gợi lên trong tâm trí mọi người hình ảnh những người trẻ “nổi loạn”, khao khát thể hiện và khẳng định mình.
Triển lãm “Đối thoại Thư pháp và Graffiti” là kết quả của dự án sáng tác và trưng bày thư pháp kết hợp Graffiti với mục đích góp phần từng bước hiện thực hóa ý tưởng đưa Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành một không gian sáng tạo, điểm đến quen thuộc của công chúng yêu di sản và văn hóa nghệ thuật.
Đây là cơ hội để hai thể loại sáng tác này đối thoại, đồng sáng tạo và đến gần hơn với công chúng, mang đến cho người xem những trải nghiệm, góc nhìn mới mẻ, tích cực và gần gũi với cả hai bộ môn. .
Tham gia sáng tác cho triển lãm có nhiều gương mặt trẻ quen thuộc (chủ yếu thuộc thế hệ 9X) đang hoạt động trong lĩnh vực thư pháp chữ Quốc ngữ và Graffiti đến từ Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh.
Về phía Thư pháp chữ Quốc ngữ có các nhà hoạt động thư pháp Nữ Thư Nguyễn Thanh Tùng, Võ Tuấn Xuân Thành, Nguyễn Hữu Pháp. Về phần Graffiti có các họa sĩ Đỗ Thế Thành, Nguyễn Tấn Lực, Trang Nhơn Khoa, Lưu Đoàn Duy Linh.
Các tác giả đã mang đến triển lãm 39 tác phẩm thuộc cả hai thể loại sáng tác, nội dung xoay quanh các chủ đề về đạo đức thầy trò; học tập và rèn luyện bản thân; sách và văn hóa đọc; Văn miếu Quốc tử giám; Việt Nam và các địa danh nổi tiếng của đất nước.
Triển lãm có 39 tác phẩm thư pháp và graffiti. Các tác phẩm được sắp xếp giống như một câu chuyện về hai con người với những tính cách khác nhau, họ gặp gỡ, đối thoại và rồi đi đến sự đồng cảm, sẻ chia.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, cho biết: Với mong muốn đưa Văn Miếu Quốc Tử Giám không chỉ là một di tích để mọi người đến tham quan, mà còn là một không gian. Sáng tạo, điểm đến quen thuộc của công chúng yêu thích di sản và nghệ thuật, Trung tâm đã triển khai dự án “Thư pháp đối thoại và Graffiti”. Thông qua triển lãm lần này, Ban tổ chức mong muốn tạo điều kiện để công chúng tiếp cận với nghệ thuật đương đại sáng tác trên nền văn hóa truyền thống dưới góc nhìn của thế hệ trẻ.